Hiện Đang Truy Cập TPL_BEEZ5_ISCLOSED

We have 485 guests and no members online

059482226
Today
Yesterday
This Week
This Month
All days
55853
62368
313386
1216345
59482226

23:12 _ 19-04-2024

World Time

 USA - CA - Los

>

USA - TX - Houston 

Canada - Toronto

 Germany - Berlin

Việt Nam - Sài Gòn

Japan - Tokyo

Australia - Sydney  

WeatherAholic

Sydney

Con Gà Mái Tơ

Quảng được mẹ cho vào chùa đi tu, theo bổn sư là một vị có tiếng đạo đức của thành phố.  Sau vài năm làm điệu, bổn sư đưa về Huế, ở chùa tổ. Ngày ngày, ngoài việc đến trường học ngoại điển, Quảng phải chăm lo hương khói, công phu bái sám, học kinh điển bằng chữ Hán, do chính thầy bổn sư tự tay dạy dỗ.  Sau vài năm, thầy gửi vào Nha Trang, nhập chúng, tu học tại Phật học viện Hải Đức
Chán nản với cuộc sống kỷ cương, giáo luật nghiêm khắc, Quảng bỏ viện, trở về với cuộc sống đời thường.  Quảng vào Sài gòn sống với các dì, tiếp tục việc học.  Sau khi đỗ tú tài, Quảng gia nhập quân đội.  Tháng 9 năm mùa hè đỏ lửa, Quảng trở thành sỹ quan cấp úy thuộc binh chủng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.  Quảng tham dự nhiều trận chiến thảm khốc, mấy lần thoát tay thần chết trong đường tơ kẽ tóc. Lúc này, bổn sư của Quảng đã viên tịch vì tai nạn xe nhà binh.  Người ta cứ bảo thầy của Quảng bị chết trùng.  Có nghĩa, thân nhân của Thầy đã mất trong quá khứ, nhằm vào một giờ trùng nào đó, và cứ thế, người trong gia đình thầy cứ đúng vào ngày giờ ấy, theo nhau chết cho đến khi không còn ai.  Quảng chỉ mỉm cười, cho đó là những mê tín dị đoan, vớ vẩn, ai lại đi tin mấy cái chuyện đó bao giờ.  Có điều, xảy ra vài lần suốt bốn năm trong quân ngũ, trong lúc nhảy toán, giữa đêm trong vùng của địch, Quảng chợt thấy Thầy đứng trước mặt mình, trong chiếc áo nhật bình màu nâu sòng, cũng gương mặt đầy từ ái, không mở miệng nói với Quảng điều gì cả. Thầy chỉ nhìn Quảng, hai tay Thầy chắp sau lưng.  Mỗi lần như thế, Quảng tỉnh giấc, lại nghe tiếng địch quân lục tìm toán gần đâu đó, tiếng chúng chuyện trò nhi nhô, đoan chắc với nhau thấy toán của biệt kích, được máy bay Mỹ thả vào khu vực.  Quảng nhẹ nhàng đánh thức toán, lặng lẽ chuồng khỏi vùng bị lộ… và thoát chết.  Nhiều lần trong quá khứ, khi sắp gặp tai ương, Thầy lại hay xuất hiện trong chiếc áo nhật bình nâu mà Thầy hay mặc lúc còn sống, trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê … và thế là lại thoát được tai nạn.
Năm 1975, miền Nam bị đại nạn, rơi vào tay Bắc phương.  Cuộc chiến tranh súng đạn chấm dứt.  Nhưng cuộc chiến tranh giành nhau miếng ăn bắt đầu.  Quảng bị bỏ vào trại cải tạo như bao nhiêu người lính khác, vì tội chiến đấu cho miền Nam, bảo vệ hiểm họa xâm lăng của thế giới đỏ, và bảo vệ tự do no ấm cho người miền Nam.  Cán bộ cộng sản, là kẻ chiến thắng, cũng đói.  Người dân thường cũng đói meo râu.  Nói chi đến những người ngụy quân ngụy quyền như Quảng. Sau ba năm sống dở chết dở trong trại cải tạo Cà Tót, Quảng được cho về.  Nói là về, chứ Quảng làm gì có nhà để về.  Mẹ Quảng sống trong chùa từ hồi bà còn trẻ.  Chùa cho bà một căn phòng bên hông chùa để sống và đi dạy tại một trường Bồ Đề tỉnh.  Sau 1975, mạnh ai nấy tứ tán đi kiếm sống.  Chùa chẳng còn gì quyền hành để lấy lại phòng mà họ đã cho mẹ Quảng hơn 20 năm về trước.  Mấy ông thầy mà còn chạy đôn chạy đáo đi tìm miếng ăn.  Quảng về sống với mẹ trong căn phòng chật chội ấy.  Hai mẹ con sống vào đồng lương chết đói và những nhu yếu phẩm chánh quyền cách mạng cấp cho mẹ Quảng, vì bà vẫn còn đi dạy học.  Ngày mẹ Quảng thôi dạy, chánh phủ cấp cho bà ít tiền và một ít nhu yếu phẩm như đường, sữa, bột ngọt.  Quảng bán phần nhu yếu phẩm, gom được ít tiền mua ngay vài con gà con, to chỉ cỡ bằng nắm tay, lông vàng mượt, óng ánh.  Quảng quý mấy chú gà con này lắm, ngày đêm thức canh chừng sợ chuột tấn công, ăn.  Quảng tìm được vài khúc cây, đóng cho mấy chú gà con một cái lồng khá an toàn, hàng đêm, Quảng bắt ghế bố ngủ cạnh chuồng, mong thời gian chóng qua cho gà mau lớn.  Những giấc mơ nào là gà đẻ trứng trắng, trứng nâu, sanh ra lớp lớp gà mới, hết đàn này theo nhau lớn lên, cục tác inh ỏi.  Rồi Quảng bán hay đổi gà lấy thịt, lấy rau, lấy gạo.  Rồi hai mẹ con sống đời sung túc.  Thật không hoài công khi mấy chú gà bắt đầu lớn.  Một con trống to tướng, oai vệ, tiếng gáy càng ngày càng lẫm liệt.  Mấy chị gà mái cũng thế, mấy bộ lông vàng óng, bụng khệ nệ mang đầy trứng sắp đẻ.  Gà thế này mà mấy chú chuột bén mãng đến chỉ có ăn đá.  Quảng vui lắm.  Lại hãnh diện nữa.  Đúng là có công mài sắt có ngày nên kim.  Thầy Nguyên Minh là người đầu tiên để ý đến đàn gà của Quảng.  Thầy đòi mua cho bằng được chú gà trống.  Sau nhiều lần từ chối, Quảng chịu bán cho thầy với giá cao, không những con gà trống mà cả mấy con gà mái. Quảng ôm mớ tiền trong tay, lòng sung sướng. Thế này thì mình phải làm ngay bữa tiệc đãi mẹ.  Ngày hôm sau, với số tiền còn lại, ra chợ xách về một đàn gà bé khác, lại nuôi, lại lớn lên, lại đẻ, rồi lại bán chứ có gì, chẳng mấy chốc chắc đời mình khá lên nhờ mấy con gà. Chiều hôm đó hai mẹ con tiệc một bữa thịt heo kho với dưa chuộc.  Bên cạnh, lại có một tô canh tàn ô nấu với thịt heo bầm.  Ở trong chùa, cái thời nhiễu nhương sau “giải phóng”, việc nấu nướng thịt cá trong chốn thiền môn không còn là điều mất đạo đức nữa.  Bắc phương lấy miền Nam là tiêu diệt luôn đạo đức rồi, còn đâu tôn giáo nữa mà giữ với gìn!  Vui quá, thừa thắng xông lên, ngày hôm sau, quên bẵng cái việc ra chợ mua lại đàn gà con khác, Quảng đi gặp một người bạn.  Hai đứa chơi với nhau từ thởu còn trung học.  Thằng bạn thân này còn đói gấp 100 lần Quảng lúc chưa có gà.  Quảng đưa nó đi ăn mì quảng.  Hai thằng lai rai vài xị đế và vài trứng vịt lộn.  Chắc từ ngày giải phóng, chưa khi nào hai thằng bạn chí thân lại cảm thấy hạnh phúc đến dường ấy.  Bữa ăn chiều nay thì chỉ có tỷ phú Việt cộng mới có khả năng thôi, hay ít ra cũng cán bộ cao cấp trong đảng, chứ thường dân thì bị tước đoạt hết rồi, có đâu mà ngồi lai rai thế này!
Nhưng rồi, ngày hôm sau, Quảng trở về với thực tại. Thôi chết, tiền bay phén đâu hết.  Thế này thì làm sao mua lại được bầy gà khác.  Không chần chờ, Quảng ôm số tiền còn lại, chạy vội ra chợ.  Mất nhiều giờ đồng hồ đi tới đi lui ngả giá, số tiền còn lại ít ỏi quá, chẳng mua lại được gì cho đáng gọi là “gà”.  Lòng Quảng tiếc nuối, lại ân hận.  Mình đã vì quá vui xuân mà quên nhiệm vụ rồi, cả vốn lẫn lời đều lọt vào cái bao tử vốn đói bấy lâu.  Chợ sắp tàn, Quảng thấy một bà bán gà ngồi lại với vỏn vẹn một con gà mái tơ, ốm tong, nhỏ thó, bộ lông mượt nhưng đen đủi trông xấu làm sao, con mắt cứ láo liêng như tìm đường trốn chạy.  Thôi cũng được, mình lại bắt đầu bằng chị gà mái này, rồi từ từ lại gầy vốn lên thôi.  Bà già bán gà như thoát được gánh nặng, bán tháo bán đổ chị gà mái xấu xí cho Quảng. Cả người bán lẫn kẻ mua đều đắc lợi…..
Nhìn con gà mái tong teo trong cái chuồng, lòng Quảng cũng hơi nản.  Mới ngày nào cả đàn gà thật oai phong, nay chỉ còn một chị gà mái xấu xí quá.  Quảng có một tật xấu, khi đang gây dựng thì bảo thủ, khư khư ôm chặt, chẳng chịu rời.  Nhưng khi bị nản lòng thì chẳng còn muốn giữ gì cả, chỉ muốn phá tan luôn, rồi bắt đầu gây dựng lại từ con số không. Đúng cái thời điểm ấy, thằng bạn đói lại xuất hiện, cả tin Quảng vẫn còn ít tiền để dẫn nó đi lai rai như mấy hôm trước.  Sau vài câu chuyện, cái tánh chơi đẹp với bạn bè trong Quảng bỗng trỗi dậy, Quảng đề nghị thằng bạn làm thịt con gà mái. Lỡ hết rồi cho nó hết luôn chứ giữ làm gì cái con gà mái dổm này. Thằng bạn đồng ý.  Nhưng hai thằng chẳng thằng nào chịu ra tay cắt cổ con gà mái.  Cả hai đều miệng hùm gan sứa.  Quảng từ nhỏ đi tu nên chẳng bao giờ giết hai sinh vật.  Bốn năm ở lính thì cũng chưa có cơ hội đụng trận nào phải trực tiếp cầm súng bắn vào kẻ thù.  Gián tiếp ra lệnh thì có.  Có một cảm giác tự ái nào đó xuất hiện trong lòng Quảng.  Có gì đâu, mình giết con gà này đãi bạn chứ! Nghĩ là làm.  Quảng mở chuồng túm con gà một cách dã man.  Con gà vùng vẫy.  Vùng vẫy thì cứ vùng vẫy, Quảng đè con vật đáng thương xuống.  Một chân đè nghiến đôi chân khẳng khiu của con gà mái còn tơ.  Một chân khác đè hai đôi cánh không cho con gà mái vẫy vùng.  Một tay Quảng kéo cái cổ con gà ra, mặc cho tiếng kêu thét và sự vẫy vùng tìm sự sống, con gà mái tong teo thiếu điều sắp vuột thoát khỏi tay Quảng.  Thằng bạn đứng kế, giúp bằng cách nhìn, tay cầm con dao cùn sẵn sàng đưa cho Quảng nếu có lệnh truyền. Lệnh truyền.  Tay Quảng cầm con dao, bằng một động tác như thành thục, Quảng cứa cổ con gà đánh “xoẹt”.  Dao cùn quá, không đứt.  Quảng kề dao vào cổ gà cứa tiếp, cứa tiếp.  Da từ cổ gà bị rách toát ra.  Quảng muốn lấy thật nhiều máu để hai thằng có một tô tiết canh chứ. Máu tung tóe từ cổ gà.  Quảng bỗng kinh khiếp. Vì thấy máu?  Vì hành động tàn ác của mình? Vì thấy sự chống cự đến tột cùng của con gà mái nhỏ bé?  Vì tiếng thét lạnh người của một sinh vật?  Vì chưa bao giờ trong đời Quảng làm điều này cả?  Máu rơi vải khắp nơi, văng tung tóe, thay vì nhỏ giọt vào cái tô tiết canh.  Hai chân Quảng chùn lại, tự động thả lỏng đôi chân và đôi cánh của con gà đáng thương.  Con vật thoát được chân Quảng, bung dậy.  Quảng hoảng vía, hai tay nắm chặt cái cổ đang nửa đứt nửa dính. Gà đạp bung hai chân, đập hai cánh, cào cấu tay Quảng sướt cả máu.  Hoảng quá Quảng thả gà ra.  Con gà nghiêng nghiêng cái cổ đang dính đầy máu, chạy khắp nơi.  Thằng bạn đứng bất động, rút lại vào một góc, trân trân nhìn không thốt được nửa lời.  Con gà mái tơ chạy vào phòng hai mẹ con Quảng đang ở.  Đầu đập vào tường, ngã ra, đứng lên, chạy, tung cánh bay lên, té xuống, rồi bay lên đậu trên cái tủ đựng đồ ăn trong phòng. Mắt nó nhìn hốt hoảng.  Không biết nó có nhìn thấy gì. Cặp mắt lạ lắm, nửa trong vắt, nửa mờ đục, nửa thất thần, nửa như thù hận.  Nó như gầm lên nhưng không ra tiếng.  Trong đầu Quảng lúc đó nẩy ra ý, tao mà thua mày à, cùng lúc, sự tự ái “trói gà không chặt” trỗi dậy vì sự có mặt của thằng bạn.  Không dám đưa tay đụng con gà, Quảng vớ ngay cái chổi, rồi như điên tiết, đập con gà mái tơ đáng thương bằng những vố như đòn thù, tã tơi trên con vật khốn nạn, một con vật bất lực, yếu thế, thân thể bị đầy thương tích.  Con gà mái không còn chạy đâu được nữa, từ từ ngã quỵ.  Lần cuối cùng, Quảng thấy nó nhìn mình bằng cặp mắt van lơn nhưng tràn đầy thù hận.
Chiều hôm ấy, ngoại trừ thằng bạn đói, liên tục gặm hết miếng thịt này đến khúc xương khác, hai mẹ con Quảng vừa cười vừa nói, nhưng trong thâm tâm, hai mẹ con chẳng ai đụng đến miếng thịt gà….. Quảng không bao giờ quên được biến cố ấy. Đó là ngày 16 tháng 3 năm 1978….


Không còn sống nổi với chế độ hà khắc, Quảng tìm đường vượt biên.  Tháng 12 năm 1978, Quảng định cư tại Canada, một đất nước thanh bình, người người kính trọng và thương yêu lẫn nhau, giúp đỡ nhau, chứ không chà đạp lên nhau để sống, như từ một miền đất rất giá lạnh tình người, và cũng là nơi Quảng đã trưởng thành suốt hơn 25 năm.
Nhưng rồi hạt giống phật pháp mà mẹ và bổn sư đã cấy vào trong Quảng thởu ấu thơ lại gặp đất tốt, nên nẩy mầm.  Ổn định với việc học hành và sự nghiệp, Quảng lúc nào cũng nghĩ đến con đường xuất gia.  Quảng thường xuyên đến chùa tại nơi đang trú ngụ để tiếp tay với mọi người lo chuyện kinh kệ, phục vụ phật tử.  Ngày ngày, Quảng trao dồi phật pháp và rất thấm nhuần kinh điển.  Rồi một hôm, không nhớ vì nhân duyên gì, Quảng tìm hiểu thêm về truyền thống phật giáo nguyên thủy.  Rồi lại được cơ duyên đi tham dự nhiều khóa thiền do các đại sư người Miến Điện chỉ dạy.  Quảng thấy thiền định là con đường duy nhất để đạt giải thoát và đến Niết Bàn, như Đức Thế Tôn đã tuyên bố trong kinh Tứ Niệm Xứ.  Quảng rời cuộc đời thế tục để theo một đại sư người Miến thọ giới, xuất gia, sống cuộc đời khổ hạnh, nhưng lòng tràn ngập an lạc. Thời khóa biểu của Quảng, nay là sư Mặc Ý, rất đơn sơ. Ngày ăn hai bữa.  Ngọ thì do phật tử địa phương cúng dường, chiều, sư chỉ nhắp một vài miếng sô cô la và mứt gừng cho đỡ đói qua đêm.  Sáng tự tay nấu cháo trắng nóng, ăn với tí muối hay tí đường.  Phật tử vui mừng vì chùa từ nay có sư về ở.  Lòng sư cũng vui lây, ngày nào cũng mở cửa chùa tiếp khách thập phương, ngoại trừ những giờ sư đang thiền định thì sư không tiếp khách.  Nếu có ai đến thỉnh ý sư thì chờ sau khi sư xả thiền. Cuộc sống êm ả trôi cho sư Mặc Ý.
Một buổi chiều như thường lệ, sau khi ăn vài miếng sô cô la, vài miếng gừng và uống một ly nước chanh, sư Mặc Ý vào chánh điện tĩnh tọa thiền định.  Sư hạ đèn xuống đủ sáng. Hào quang từ đỉnh đầu Đức Thế Tôn chiếu sáng ngời.  Miệng ngài như lúc nào cũng mỉm cười, gương mặt từ bi làm sư thấy thanh tịnh.  Sư Mặc Ý trở về với chánh niệm, theo dõi từng cảm giác trên cơ thể, từng động tác trên thân. Sư ngồi ngay ngắn, lưng thẳng và nhập định.  Sự im lặng như tràn ngập mọi nơi.
Không biết sư nhập định đã bao lâu, nhưng tiếng cửa mở rất nhẹ sau lưng làm sư chánh niệm về tiếng động ấy.  Chắc có phật tử nào đến để gặp sư, hay ít nhất đến để lạy Phật. Sư Mặc Ý chưa kịp phân tâm hơn thì một bàn tay cứng như sắt túm cổ sư.  Quá bất chợt và đau đớn, sư không có một phản ứng gì cả. Kẻ lạ mặt, một người da đen, túm cổ, kéo sư đứng lên.  Sư nghẹt cả thở, chân hỏng khỏi mặt đất.  Người da đen nói như ra lệnh, “mở cái thùng này”. Sư ra dấu là mình không có chìa khóa.  Người da đen nện toàn thân sư xuống đất. Sư choáng váng như bất tỉnh, nhưng kịp tỉnh dậy và nói vài lời là sư không có chìa khóa hay tiền bạc gì cả.  Người da đen nghiến răng, há miệng nói những gì rất khó nghe.  Sư chỉ thấy miệng và lưỡi hắn đỏ tươi.  Nhất là cặp mắt đầy hận thù của hắn.  Cặp mắt kinh khiếp này mà sư đã thấy một nơi nào đó rồi, trong quá khứ.  Người da đen đưa chân đá vào bụng sư, lại ra lệnh mở thùng công đức.  Sư lắc đầu.  Như điên tiết, người da đen nhìn chung quanh, rồi chộp ngay được cái chổi dựng kế điện Phật, hắn đập túi bụi lên người của sư.  Sư nghe đau đớn.  Miệng nhất tâm niệm Phật.  Không hiểu gì, người da đen ngưng đập sư bằng chổi, tiến đến lấy cái dùi chuông gia trì, quay lại, phang từng cái một lên đầu, lên vai, lên ngực sư.  Sư thấy mình đã hoàn toàn bất lực, thỏng dài hai tay, miệng chú tâm niệm Phật.  Sư thấy người da đen có màu da đen tuyền, hai tay mảnh khảnh nhưng gân guốc, miệng và lưỡi đỏ ngòm, cặp mắt nhìn sư như ghim gút đầy thù hận, tay hắn vẫn tiếp tục đập xuống cơ thể bất lực của sư, bằng chiếc dùi chuông gia trì.  Rồi như đã hả giận, người da đen cuối xuống, hai tay túm lấy y, nâng sư lên, rồi hắn dùng cái trán nhô cứng như đá, đập vào đầu của sư… Đến lúc này thì sư hoàn toàn không còn biết gì cả.  Lòng sư thấy nhẹ nhàng, chân như bước vào một con đường nhỏ, sự im lặng hầu như tuyệt đối, hai bên đường có ánh sáng như hào quang của chư Phật….
Sư nghe tiếng ồn ào chung quanh, ngoài cổng chùa, đèn xe cứu thương đang nhấp nháy, quay tít.  Một vài phật tử có mặt, vài người cảnh sát lưng đeo súng đang đo đo viết viết. Hai người y tá đang đụng vào cơ thể đau nhừ của sư.  Một người cảnh sát nói, “hung thủ làm rớt lại thẻ y tế.  Tên hắn là J.N,
sanh ngày 16 tháng 3 năm 1978 tại Saskatchewan”.
Chung quanh, không ai biết sư đã bị một nghiệp mới dẫn đi rồi.  Dẫn đi rồi… dẫn đi rồi… dẫn đi rồi…

Người Sưu tầm