Print
Parent Category: tin tức
Hits: 1025

Tổng Thống Obama Hội Kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phớt lờ lời phản đối của TC

Chủ Nhật, Ngày 17 tháng 7-2011 Tin Hoa Thịnh Đốn - Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mở cuộc hội đàm tại Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn với Đức Đạt Lai Lạt Ma, khôi nguyên Giải Nobel Hòa Bình, chỉ mấy giờ sau khi Trung Cộng kêu gọi Hoa Kỳ rút lại lời mời vị Lạt Ma mà theo họ có thể làm cho mối quan hệ Mỹ-Trung thêm phần cay đắng. Nhà lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ để tham dự 11 ngày lễ của Phật Giáo.

Hằng ngàn người Tây Tạng lưu vong đã cùng nhau tham gia chúc mừng sinh nhật lần thứ 76 của Đức Đạt Lai Lạt Ma vào hôm thứ Tư. Ngài vừa từ bỏ quyền lãnh đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong hồi gần đây. Tòa Bạch Ốc tuyên bố cuộc tiếp xúc riêng tư kéo dài 45 phút tại Phòng Bản Đồ của Tòa Bạch Ốc cho thấy Tổng thống Obama ủng hộ công cuộc bảo tồn văn hóa và nhân quyền cũng như tái xác nhận niềm tin của nhà lãnh đạo Mỹ rằng chính quyền Trung Cộng phải tiếp tục đối thoại với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma để giải quyết các mối bất đồng giữa đôi bên.

Hạ Viện Hoa Kỳ Thông Qua Nghị Quyết Về Vấn Đề Biển Đông

Thứ Hai, Ngày 18 tháng 7-2011 Tin Hoa Thịnh Đốn - Vào hôm thứ sáu vừa qua tại Hạ viện Mỹ, dự thảo nghị quyết do dân biểu Ed Royce đệ trình đã được thông qua. Nghị quyết này điểm lại một cách chi tiết thái độ của chính quyền Trung Cộng trên biển cũng như trên các cơ quan tuyên truyền đe dọa, bắt nạt các quốc gia láng giềng từ Đông Nam Á cho đến tận Nhật Bản và Nam Hàn ở Bắc Á trong tổng cộng 41 vụ. Nghị quyết của Hạ viện Mỹ nhấn mạnh đến đường lưỡi bò của Trung Cộng và tham vọng kiểm soát 684,000 dặm vuông, vụ tàu Trung Cộng cắt dây cáp thăm dò địa chất của hai tầu Bình Minh 2 và Viking 2 của Việt Nam, vụ tàu Trung Cộng bắn ba tàu đánh cá của Phi Luật Tân.

Các dân biểu Mỹ không quên vụ thiếu tướng Trung Cộng Bành Quang Khiêm trên đài truyền hình nhà nước ngày 25 tháng 6 cho rằng Trung Cộng đã từng dạy cho Việt nam một bài học, và nếu Việt Nam không thành thật thì Trung Cộng sẽ dạy thêm một bài học lớn. Trong phần kết luận, nghị quyết Biển Đông của Hạ viện Mỹ ề lên án các thái độ bạo lực, dùng tàu chiến, tàu ngư chính và tàu đánh cá từ biển Đông cho đến tận Hoàng Hải. Nghị quyết cam kết là Hoa Kỳ ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng giải pháp ôn hòa của ASEAN và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng như hậu thuẩn quân đội Mỹ yễm trợ đồng minh duy trì quyền tự do giao thông trên biển và trên không.

 


An Ninh, Tranh Chấp Biển Đông Đứng Đầu Nghị Trình Asean

Thứ Hai, Ngày 18 tháng 7-2011 Tin Bali - Trở lại với tình hình tranh chấp biển đông, hôm nay các nhà ngoại giao Đông Nam Á đã bắt đầu đến đảo Bali của Indonesia để dự một hội nghị khu vực, theo dự trù sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh kể cả các cuộc tranh chấp trong vùng Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN sẽ mở hội nghị thường niên vào ngày mai, và đến thứ Năm thì Trung Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn đã được mời đến dự cuộc đối thoại ASEAN cộng 3. Bắt đầu từ thứ Bảy, hội nghị ASEAN sẽ được nới rộng để bao gồm 27 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Nga trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Các nước thành viên ASEAN hiện đang muốn tăng sức ép với Trung Cộng để đi đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính cách ràng buộc pháp lý, văn kiện này sẽ vạch ra các thủ tục để giải quyết các cuộc tranh chấp tài nguyên trong vùng Biển Đông, nơi mà nhiều quốc gia đều tuyên bố chủ quyền.

 

 


Diễn Đàn Khu Vực Asean Sẽ Ra Tuyên Bố Về Tranh Chấp Biển Đông

Thứ Bảy, Ngày 16 tháng 7-2011 Tin Bali - Các Ngoại trưởng của ASEAN và Nhật Bản, Trung Cộng, Nga, Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ họp lại ở Bali, Indonesia vào tuần tới trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN để bàn về những vấn đề an ninh ở châu Á. Diễn đàn ARF dự trù kêu gọi thực hiện ngoại giao ngăn ngừa, đề ra các biện pháp để tránh xảy ra tranh chấp. Cho tới nay Trung Cộng vẫn chống lại việc diễn đàn ARF đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải ra bàn thảo, trong khi những nước có liên hệ đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông như Việt Nam và Phi Luật Tân muốn giải quyết vấn đề này với sự hợp tác của những nước như Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Theo hãng thông tấn Kyodo thì vào hôm qua bản tuyên bố của chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN, dự trù được công bố ngày 23 tháng 7 có thể sẽ nhấn mạnh rằng ARF phải đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực, trong một nỗ lực dường như là nhằm mở rộng vai trò của cơ chế này. Bản tuyên bố của Diễn đàn ARF cũng sẽ kêu gọi thực hiện ngoại giao ngăn ngừa, cũng như kêu gọi những nước tham gia diễn đàn đề ra các biện pháp để tránh xảy ra các tranh chấp.

Bản tuyên bố có thể cũng sẽ khẳng định rằng Trung Cộng và ASEAN đều cần một môi trường hòa bình, ý muốn nhắc việc cần thiết phải giảm căng thẳng trên Biển Đông. Cách đây vài ngày, Tổng thư ký của ASEAN là ông Surin Pitsuwan cũng đã tỏ ý hy vọng rằng tại Diễn đàn ARF ở Bali, ASEAN và toàn bộ các cường quốc khu vực, kể cả Hoa Kỳ và Trung Cộng, sẽ có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về tranh chấp Biển Đông và các tranh chấp chủ quyền lãnh hải khác.

Nhưng vấn đề là cho tới nay, Trung Cộng vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trong khuôn khổ song phương với Việt Nam hay Phi Luật Tân, chứ không muốn đưa vấn đề này ra bàn trong các cuộc họp đa phương. Mặt khác, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối việc Hoa Kỳ can dự vào vấn đề Biển Đông, yêu cầu Washington phải tôn trọng quyền lợi cốt lõi của Trung Cộng trong khu vực này. Trước thái độ dứt khoát như vậy của Bắc Kinh, trước mắt điều mà ASEAN có thể làm được với tư cách tổ chức khu vực đó là lập ra một cơ chế để giải quyết các tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng.

Trong quan hệ với các nước ASEAN, Bắc Kinh chỉ dùng thế mạnh để áp đảo, tuy rằng ngoài miệng vẫn nói là muốn hòa bình, không sử dụng vũ lực. Vấn đề là đối lại với một nước Trung Cộng bành trướng là một ASEAN đầy chia rẽ và bị Bắc Kinh lũng đoạn bằng cách gia tăng ảnh hưởng lên một số nước như Miến Điện hay Cam Bốt. Thành ra những nước như Việt Nam và Phi Luật Tân cảm thấy rằng không thể trông chờ vào ASEAN, mà chỉ có thể dựa vào thế lực của Mỹ.