Print
Parent Category: tin tức
Hits: 861

Hoa Kỳ nay chấp nhận thông qua một thỏa thuận nhằm tránh bị vỡ nợ.

Mức nợ trần là giới hạn pháp lý toàn bộ các khoản nợ chính phủ Mỹ có thể vay nhằm trang trải các khoản cần trả. Mức nợ trần hiện nay là 14,3 nghìn tỷ đôla.

Tranh cãi chính trị về mức nợ trần đã gây sửng sốt tại các thị trường tài chính và nhiều người sẽ cảm thấy hài lòng trước việc thỏa thuận đã được chốt lại, dẫu cho kết quả đưa ra không làm ai vừa ý.

Thỏa thuận này cụ thể là gì?

Giải cứu nhanh chóng

Trước tiên, và có lẽ là mối quan tâm to lớn nhất ở các thị trường, là thỏa thuận sẽ ngay lập tức tăng mức nợ trần lên thêm 400 tỷ đôla.

Mức giới hạn mới cho phép Hoa Kỳ có thêm khả năng trang trải các khoản cần thiết, như trả lương cho binh lính, trả lãi các khoản nợ hiện thời, chi phí y tế, v.v… trong thời gian trước mắt.

Thỏa thuận này sau đó tăng mức nợ trần lên thêm 500 tỷ đôla nữa cho tới tháng Hai.

Về nguyên tắc, Quốc hội có thể bỏ phiếu chống lại việc tăng thêm này, tuy nhiên đây chỉ là hành động chính trị tượng trưng, thể hiện thái độ phản đối về mặt hình thức của những người bảo thủ trong Quốc hội.

Tổng thống Barack Obama được trông đợi sẽ phủ quyết nếu như có việc bỏ phiếu chống.

Quyết định của Uỷ ban

Thỏa thuận đưa ra các biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt của Mỹ xuống ít nhất là 2,1 nghìn tỷ đôla trong thời gian 10 năm.

Từ tháng Mười, các khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 917 tỷ đôla bắt đầu được thực hiện.

Trong tháng Mười Một, một ủy ban chung đặc biệt gồm 12 thành viên thuộc Hạ viện và Thượng viện đưa trở lại các khuyến nghị nhằm nâng mức cắt giảm thâm hụt tới 1,5 nghìn tỷ đôla.

Có vẻ như Ủy ban này không thể cân nhắc tới việc tăng thuế, nhưng có thể thay đổi mã số thuế nhằm bổ sung doanh thu.

Các nhà lãnh đạo trong Quốc hội hy vọng thỏa hiệp sẽ giành được sự ủng hộ ở cả lưỡng viện, nhưng một số thành viên Cộng hòa và Dân chủ trong Hạ viện vẫn phản đối vì những lý do khác nhau.

Đến Giáng Sinh, Quốc hội phải biểu quyết về kế hoạch của ủy ban, và khi đó nội dung kế hoạch sẽ không được phép có thêm bất kỳ sửa đổi nào.

Chọn hướng đi nào?

Kế hoạch cắt giảm chi tiêu tự động

Có hiệu lực vào tháng Giêng nếu Quốc hội không thông qua khuyến nghị

Khoảng một nửa cắt giảm nhằm vào quốc phòng, gồm cả Bộ Nội an

Medicare bị ảnh hưởng phần nào

Dịch vụ y tế cho người nghèo và tiền trả hưu bổng không bị cắt giảm

Ý tưởng đưa ra là các khuyến nghị nên được chấp nhận.

Nếu Quốc hội bác bỏ kế hoạch thì một loạt cắt giảm chi tiêu tự động – nội dung vốn được các thành viên Dân chủ và Cộng hòa đưa ra bàn thảo trong mấy ngày qua – sẽ có hiệu lực.

Việc cắt giảm được đưa ra thiết kế để làm cho cả hai bên phải chấp nhận nhân nhượng - do đó buộc họ phải cân nhắc một các nghiêm túc các khuyến nghị của ủy ban.

Nếu các khuyến nghị bị từ chối, việc cắt giảm sẽ bắt đầu áp dụng vào tháng Giêng.

Khoảng một nửa số cắt giảm chi tiêu sẽ áp dụng đối với quốc phòng, tuy các nhà thương thuyết phe Cộng hòa đã đạt được việc mở rộng định nghĩa này từ chỗ chỉ gồm quân đội sang các lĩnh vực khác, như Bộ Nội an.

Medicare - hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người hưu trí được liên bang tài trợ - sẽ phải đối diện với một số cắt giảm, tuy dịch vụ y tế cho các đối tượng nghèo nhất và các khoản thành toán lương hưu sẽ không bị ảnh hưởng.

Cân đối ngân sách

Phần cuối cùng của thỏa thuận cũng sẽ được triển khai chậm nhất là cuối năm nay.

Cả Hạ viện và Thượng viện sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc đưa tu chính án về cân đối ngân sách vào hiến pháp - một quy định theo đó đòi tổng các khoản chi tiêu liên bang trong tương lai không được cao hơn tổng các khoản thu.

Để bắt đầu, điều này đòi hỏi phải có đa số áp đảo, gồm ít nhất là hai phần ba thành viên ở hai viện thông qua, và một lần nữa điều này được xem như sự thể hiện thái độ chính trị của phe bảo thủ về tài tài chính trước khi bước vào một năm bầu cử.

Nếu tu chính án được chuẩn thuận, thì ông Obama có thể yêu cầu tăng mức nợ trần lên thêm 1,5 nghìn tỷ đô la nữa.

Nếu không, ông Obama có thể yêu cầu tăng lên mức 1,2 nghìn tỷ.

Một điểm quan trọng cho ông Obama, đó là dự luật sẽ làm tăng mức nợ trần vào năm 2013, và như vậy ông sẽ không phải đối mặt với một cuộc thách thức tại Quốc hội trong vấn đề chi tiêu giữa lúc ông bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử vào năm tới.