Print
Parent Category: tin tức
Hits: 653

QUAN HỆ MỸ VIỆT – NHÌN TỪ TRONG NƯỚC RA

Nguyễn Tiến Trung
Gửi đến BBC từ TPHCM

Trong quá khứ, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không được tốt đẹp bởi chiến tranh và hàng rào ý thức hệ.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, đó cũng là sự sụp đổ của hàng rào ý thức hệ, một trong những sự kiện mở đầu cho tiến trình toàn cầu hóa. Không còn sự phân chia ý thức hệ, chỉ còn kinh tế thị trường, dân chủ, pháp trị là xu thế toàn cầu.

Trước những diễn biến của thế giới và áp lực mạnh mẽ của xã hội, những người lãnh đạo đảng cộng sản đã phải từ bỏ nguyên tắc căn bản nhất của chủ nghĩa cộng sản là lý thuyết kinh tế tập trung của xã hội chủ nghĩa để đi theo kinh tế thị trường và gia nhập WTO.

Các công ty của Hoa Kỳ bây giờ được chào đón rất niềm nở tại Việt Nam, có thể kể ra sự kiện Bill Gates đến thăm Việt Nam hay việc Intel đầu tư gần 1 tỷ USD vào Việt Nam.

Dù những lý luận về ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ vẫn còn được dạy trong nhà trường để biện minh cho sự độc quyền chính trị của đảng, nhưng về thực chất, những người lãnh đạo đảng cộng sản đã nhận ra sai lầm và từ bỏ cuộc chiến ý thức hệ.

Hàng rào quá khứ

32 năm sau chiến tranh, tức 1/3 thế kỉ đã trôi qua, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn chưa ở mức ‘chiến lược’. Việc chậm trễ đáng tiếc này có nhiều nguyên nhân lịch sử khác nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là tính bảo thủ và tự mãn ở những người lãnh đạo đảng cộng sản sau khi chiến thắng ‘đế quốc Mỹ’.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, phe phát xít gồm Đức, Ý, Nhật là kẻ thù ‘không đội trời chung’ của Hoa Kỳ. Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Đức, Ý, Nhật đã nhanh chóng bắt tay với Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân.

Đa số các quốc gia hùng mạnh nhất ở châu Âu và châu Á đều là đồng minh của Hoa Kỳ. Đáng chú ý là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – những nước châu Á có nhiều điểm tương đồng về mặt này hay mặt khác với Việt Nam. Hoa Kỳ trở thành đồng minh của những nước này đều sau các cuộc chiến tranh.

Nói chung, hàng rào quá khứ chiến tranh này do các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam tự dựng ra, thể hiện qua các bài diễn văn hoặc sách giáo khoa chỉ biết ca ngợi về thành tích trong quá khứ. Họ chưa học hỏi, hay không dám học hỏi từ kinh nghiệm các nước láng giềng phát triển.

Ai hiếu chiến?

Báo chí của đảng cộng sản ở trong nước luôn chê bai và dè bỉu cuộc chiến Iraq của Hoa Kỳ, lý do là Hoa Kỳ gây chiến tranh chỉ vì muốn chiếm đoạt nguồn dầu hỏa.

Thế nhưng, dường như báo chí của đảng quên mất, hoặc không được phép đăng, việc Trung Quốc – một nước ‘xã hội chủ nghĩa anh em’ đã chiếm trọn Hoàng Sa, và đang lăm le muốn chiếm nốt Trường Sa cũng vì nguồn lợi dầu hỏa.

Các ngư dân của Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắn chết. Thăm dò khai thác dầu khí ở biển Đông của Việt Nam không tiến hành được do sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc. Các đài quốc tế đều đưa tin nhưng những việc này báo chí của đảng không hề nói tới.

Trung Quốc cũng góp phần gây thảm họa nhân quyền tại Darfur, Sudan vì ủng hộ chính phủ độc tài, lý do chính là Trung Quốc muốn bảo vệ quyền lợi dầu hỏa tại đây.

Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới luôn tìm cách bảo vệ quyền lợi quốc gia của nước họ, yếu tố ‘ý thức hệ’ không đóng vai trò gì ở đây. Tuy nhiên, làm việc với các quốc gia dân chủ luôn dễ dàng và có lợi hơn vì họ hiểu nguyên tắc ‘đôi bên cùng có lợi’.

Hai bên ai cần ai hơn?

Năm 2005, tổng số tài trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam là 65 triệu USD, mục đích để Việt Nam ‘phát triển kinh tế, thúc đẩy xã hội dân sự và tính nghiêm minh của luật pháp, đồng thời nhằm giảm nhẹ những vấn đề có thể đe dọa đến sự phát triển bền vững như HIV/AIDS, suy thoái môi trường và cúm gia cầm’. (nguồn : web site đại sứ quán Hoa Kỳ)

Mức trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là 9 tỷ USD, trong đó Việt Nam bán được 8 tỷ nhờ vào hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Còn mức trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc là 10 tỷ USD, hàng Trung Quốc đổ sang Việt Nam đã chiếm 9 tỷ, Việt Nam bán được chỉ 1 tỷ.

Rõ ràng, về mặt kinh tế, Việt Nam cần Hoa Kỳ để cân bằng thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc.

Đài Loan luôn bị Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực để thống nhất. Đài Loan bị sức ép về quân sự còn nặng nề hơn Việt Nam nhưng chính phủ Đài Loan tỏ ra bản lĩnh hơn chính phủ Việt Nam, lý do là vì họ có đồng minh chiến lược Hoa Kỳ.

Như vậy, về quân sự, hẳn các vị lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam hiểu được nên hợp tác với nước nào để có thể giữ vững lãnh thổ quốc gia.

Nhu cầu dân chủ hóa

Muốn quan hệ Việt Mỹ tốt đẹp và bền vững thì Việt Nam cần có một Nhà nước pháp trị thay vì đảng trị như hiện nay.

Hạ viện Hoa Kỳ vừa thông qua dự luật nhân quyền Việt Nam 2007 (H.R. 3096) ngay trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ.

Trước đó, ngày 12/7/2007, Quốc hội châu Âu đã thông qua nghị quyết quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Đi cùng với các quốc gia dân chủ, pháp trị, chính bản thân mình cần phải trở thành dân chủ, pháp trị, tôn trọng nhân quyền để có thể hợp tác với các nước bạn và phát triển toàn diện.

Các vị lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã đặt bút kí công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhưng đến nay chưa hề thực hiện điều khoản nào trong công ước này.

Ngay cả nội dung công ước này và Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng không hề được Nhà nước thực sự tôn trọng hay phổ biến cho người dân.

Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã nói : ‘Phải là người bình thường giữa thiên hạ, rồi mới mong bật lên giữa thiên hạ. Hội nhập thực chất là sự được chấp nhận là người bình thường’.

Rõ ràng, qua việc lên án của các nước phương Tây, chính quyền Việt Nam vẫn đang hành xử một cách bất thường.

Thực tế Việt Nam

Từ khi về nước đến giờ, hầu như tôi chỉ thấy tin tức tiêu cực trên các mặt báo.

Những vấn đề quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của quốc gia như giáo dục, giao thông, y tế, môi trường, tính công minh của luật pháp… đều liên tục bị báo chí phê phán và người dân kêu ca.

Tiếp tục tình trạng như vậy, chuyện Việt Nam trở thành quốc gia ‘công nghiệp hóa, hiện đại hóa’ vào năm 2020 chỉ là chuyện ‘viễn tưởng’.

Rất nhiều người, thuộc nhiều giới khác nhau mà tôi đã có dịp tiếp xúc, đều không đồng ý với chế độ độc đảng và đều mong muốn một thể chế dân chủ, pháp trị.

Dù số người dân chủ ra mặt công khai vẫn chưa nhiều, nhưng tôi thấy những người dân chủ đang tăng lên nhanh chóng, kể cả trong hàng ngũ đảng viên cộng sản. Lực lượng dân chủ đông, mạnh, đoàn kết chính là yếu tố quyết định trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Với sự giúp đỡ của quốc tế, tôi tin chắc rằng tiến trình này sẽ còn diễn ra nhanh hơn nữa.

Để có thể ‘sánh ngang với các cường quốc năm châu’ và hợp tác toàn diện với các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, những người lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam cần chủ động đẩy nhanh tiến trình ‘xây dựng xã hội công bằng, dân chủ’ nhiều hơn nữa.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một sáng lập viên của Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Diễn đàn BBC ở địa chỉ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. .

Người Sưu Tầm